I. Định nghĩa về một làn da căng bóng
1. Da căng bóng có những đặc điểm gì?
Làn da căng bóng (glowing skin) có nghĩa là da ngậm nước, và bóng nhờ bề mặt phẳng, nhẵn mịn. Nhiều người sử dụng thuật ngữ này khi nói về một người có làn da trông khỏe mạnh và sáng sủa. Thực chất, làn da căng bóng chỉ đơn thuần là một làn da khỏe mạnh, bao gồm các yếu tố như:
- Không mụn, không sần sùi và phải nhẵn mịn
- Phải đều màu, không có vết thâm đỏ hoặc thâm đen
- Ngậm nước đầy đủ, không quá khô hoặc không quá nhờn
Tuy nhiên cũng cần lưu ý là làn da khỏe mạnh không có nghĩa là làn da thật sự hoàn hảo, vì tiêu chuẩn “vàng” này vốn dĩ không thể đạt được. Da có thể khỏe mạnh và sáng, nhưng nó phải luôn luôn có những đặc điểm sau:
- Có thể nhìn thấy lỗ chân lông
- Các rãnh cười, nếp nhăn đuôi mắt
- Các sợi bã nhờn li ti
Các đặc điểm này sẽ phụ thuộc vào những yếu tố như lối sống, thói quen, môi trường chúng ta ở và thậm chí là sự di truyền.
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của làn da
Da của mỗi người có những đặc tính khác nhau. Một số người có thể sở hữu làn da căng bóng một cách tự nhiên từ khi mới sinh ra, nhưng có một số người khác lại khó đạt được ngưỡng đó do một loạt các yếu tố tác động tới sức khỏe làn da.
Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe làn da bao gồm [1]:
- Di truyền: Cơ thể con người chứa từ 20.000 đến 25.000 gen khác nhau, được tạo thành từ DNA và những gen này quyết định mọi thứ về chúng ta, bao gồm cả cách da của chúng ta hoạt động. Di truyền chịu trách nhiệm phần lớn đối với loại da của chúng ta (chẳng hạn như da khô, da thường hay da dầu), các vấn đề khác ở da và ở một mức độ nào đó. Khi các gen hoạt động như mong muốn, chúng sẽ điều chỉnh quá trình sản xuất tế bào da — yêu cầu cơ thể tạo ra các tế bào da mới khi các tế bào cũ chết đi (còn gọi là quá trình thay da). Các bác sĩ da liễu cũng đã đề cập rằng: “Khi một gen hoạt động không chính xác, nó có thể tạo ra quá ít hoặc quá nhiều tín hiệu cụ thể, điều này có thể khiến các tế bào phát triển quá nhanh, gây ra các vấn đề về tắc nghẽn da như mụn trứng cá, hoặc hạn chế khả năng phục hồi và tái tạo của da sau chấn thương.”
- Nội tiết tố: Sự dao động về nồng độ hormone có thể gây ra mụn trứng cá và thay đổi độ nhờn hoặc làm khô da. Điều này đúng đối với mọi người ở mọi giới, đặc biệt là trong độ tuổi dậy thì, mang thai và mãn kinh. Trong giai đoạn này, lượng hormone androgen tăng lên đột ngột khiến cho các tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn, đây là môi trường sống thuận lợi cho vi khuẩn P.Acnes phát triển và gây ra mụn trứng cá.
- Tình trạng sức khỏe: Nếu một người có các tình trạng sức khỏe không tốt hoặc đang dùng thuốc thì những nguyên nhân này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe làn da của họ. Ví dụ như kiểm soát sinh sản bằng các loại thuốc có thể có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực tới làn da, điều này cần phải có bác sĩ theo dõi chặt chẽ để tránh các hệ lụy về da cũng như là sức khỏe sinh sản.
- Môi trường: Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nhiệt độ khắc nghiệt, không khí khô, khói thuốc lá và ô nhiễm đều có thể có tác động tiêu cực đến da. Như chúng ta đã biết, môi trường sống luôn bị ô nhiễm bởi các gốc tự do trong khói xe, bụi mịn, tia UV, hóa chất,... đây là những nguyên nhân có thể dẫn đến lão hóa sớm vì các gốc tự do tấn công làn da, gây sạm, nám, hoặc nếu không làm sạch bụi bẩn tốt thì có thể gây tắc nghẽn lỗ chân lông và sinh ra mụn.
- Thói quen sinh hoạt: Uống nước, chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, áp lực căng thẳng,... có thể ảnh hưởng đến da. Kể cả các sản phẩm skincare mà một người sử dụng trên da của họ cũng có thể có tác động tích cực hoặc tiêu cực tới sức khỏe của da. Vì vậy cũng cần phải được xem xét kỹ vấn đề này. Ở khía cạnh khác, cũng đã có nhiều nghiên cứu chứng minh được rằng ở những người có thói quen ngủ đúng giờ và đủ giấc 8 tiếng / ngày sẽ giúp cho làn da được phục hồi tốt hơn, còn ở những đối tượng ngủ không đủ giấc sẽ làm tăng mức Cortisol trong cơ thể - đây là hormone gây ra quá trình viêm, phá vỡ các loại protein nâng đỡ cho cấu trúc da. Viêm cũng có thể làm cho da dễ bị nổi mụn và nhạy cảm hơn với các phản ứng dị ứng. Thêm vào đó, nếu chúng ta mệt mỏi vì thiếu ngủ, điều đó có thể khiến tuần hoàn máu hoạt động kém hiệu quả hơn. Kết quả là lượng oxy trong máu thấp hơn, và điều đó có thể làm cho da có vẻ như đốm màu, sắc tố và xám xịt.
Qua những yếu tố kể trên, chúng ta không thể kiểm soát hoàn toàn được hết, nhưng để giúp cải thiện làn da trở nên nhẵn mịn, ít khuyết điểm hơn thì chúng ta có thể làm được thông qua học cách chăm sóc da trở nên tốt hơn với 5 bước được liệt kê ở phần tiếp theo này.
II. 5 bước để có một làn da căng bóng
1. Làm sạch
Luôn là bước khởi đầu trong mọi routine chăm sóc da. Việc chọn các sản phẩm làm sạch cũng là một vấn đề lớn, chúng ta cần phải đánh giá các chất hoạt động bề mặt (surfactant) có trong một sản phẩm làm sạch, nếu như surfactant đó thuộc nhóm Sodium Lauryl / Laureth Sulfate, hoặc các nhóm Carboxylate (xà phòng) thì nó rất có hại cho làn da, vì chúng sẽ cuốn trôi một lượng lớn acid amine và lipid trong cấu trúc tầng sừng, dẫn đến gây khô da và dễ kích ứng hơn. Nhằm lựa chọn được những sữa rửa mặt dịu nhẹ hơn thì chúng ta nên ưu tiên các gốc như Alkyl Sulfonate, Olefin Sulfonate, Isethionate, Sulfosuccinate hoặc các gốc surfactant được làm từ gốc acid amine, vì những loại này tuy là ảnh hưởng đến hàng rào bảo vệ da khi rửa, nhưng chúng lại ít gây thiệt hại cho tầng sừng hơn. Mặt khác chúng ta nên ưu tiên những sữa rửa mặt có những thành phần làm dịu da như Panthenol, Kinetin,... vì chúng có khả năng làm dịu da rất tốt và phù hợp với những làn da nhạy cảm.
Tẩy da chết cũng là một trong những bước làm sạch cần phải được chú trọng. Các tế bào sừng già cỗi sẽ được loại bỏ vào đúng chu kỳ, nhưng vì một số lý do như tuyến dầu hoạt động quá mức sẽ dẫn đến các lá sừng này kết dính chặt chẽ, gây bít tắc lỗ chân lông và sinh ra mụn. Hoạt chất Salicylic acid (BHA) luôn là một giải pháp cho vấn đề đang gặp phải, Salicylic acid sẽ phân giải các liên kết lipid giữa những lá sừng, từ đó ngăn ngừa tình trạng mụn ở trên da, giúp cho bề mặt trở nên nhẵn mịn, hạn chế sần sùi hơn.
2. Dưỡng ẩm
Là một yếu tố rất lớn đóng góp vào công cuộc “làn da căng bóng”. Các hoạt chất được sử dụng này phải có khả năng hút nước (humectant) hoặc giữ nước (occlusive) cho làn da, hạn chế sự thoát nước qua biểu bì (TEWL), từ đó có khả năng phản chiếu lại các ánh sáng tới và tạo nên hiệu ứng căng bóng cho da. Ngoài ra cần phải chú trọng vào việc làm da trở nên đều màu hơn, tiêu biểu nhất là hoạt chất Niacinamide, nó có khả năng ngăn chặn túi Melanosome được hình thành, đồng thời khôi phục hàng rào bảo vệ da, giúp da trở nên khỏe hơn. Kinetin cũng đóng góp cho quá trình làm da căng bóng, đây là một tổ hợp chứa các yếu tố tăng trưởng (Growth Factors) từ protein Cytokines thực vật, nó đã được chứng minh lâm sàng giúp giảm thiểu các dấu hiệu lão hóa, đồng thời nâng đỡ cấu trúc da, làm cho da căng mịn, sáng bóng hơn bao giờ hết
3. Thúc đẩy tăng sinh tế bào mới
Retinol đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn này. Với cơ chế hoạt động đó là ổn định sừng hóa, ngăn ngừa các tế bào sừng thay mới chậm trễ. Ngoài ra Retinol còn giúp thúc đẩy tăng trưởng các sợi Collagen và Elastin, giữ vững bệ đỡ cho da tốt hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng Retinol luôn đi kèm với các tác dụng phụ như đỏ da, bong tróc do sự thay mới lớp sừng (retinization), chính vì vậy cần phải sử dụng kèm theo các sản phẩm có khả năng cấp ẩm phục hồi để bổ sung lại các vật chất cho hàng rào bảo vệ da. Không những vậy, Retinol, hay nói đúng hơn là Tretinoin sẽ ngăn chặn sự hình thành các nhân mụn mới (microcomedone), đây là tác nhân khiến cho bề mặt da không được nhẵn mịn mà chúng ta vẫn hay gọi đó là “mụn ẩn”. Có thể tìm hiểu về cách sử dụng Retinol / Tretinoin tại đây.
4. Chống oxy hóa
Với nhóm hoạt chất này đó chính là bảo vệ da khỏi những gốc tự do gây hại, đồng thời hoạt động cộng hưởng với Retinol giúp cho các tế bào tăng sinh tốt hơn, điển hình là Vitamin C (dạng L-Ascorbic acid - LAA). Nhiệm vụ chính của Vitamin C đó là trung hòa gốc tự do, làm sáng da, ngăn chặn các quá trình viêm – nguyên nhân tạo ra các vết thâm đỏ, tăng sinh collagen tốt hơn. Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng để dạng L-Ascorbic acid này được hoạt động tốt trên da thì cần phải chọn đúng những công thức có độ pH thấp, từ 2.5 – 3.5 và các hoạt chất chống oxy hóa theo mạng lưới đi kèm để có thể bảo vệ LAA không bị thoái biến sớm, giúp LAA được tái sinh trở lại.
5. Bảo vệ da khỏi tác hại từ tia cực tím
Việc sử dụng kem chống nắng luôn là điều cần thiết cho mọi làn da. Dưới tác động của tia UV có thể gây ra các biểu hiện như: bỏng da, rát da (đối với tia UVB) và lão hóa, nám, tàn nhang (đối với tia UVA), ngoài ra chúng còn kích hoạt các quá trình viêm gây ra mụn, đứt gãy các sợi collagen, làm bề mặt da sần sùi hơn và không còn khả năng ngậm nước. Lựa chọn các kem chống nắng với SPF từ 30 – 50 luôn là phương án hiệu quả nhất cho da. Ngoài ra, nếu như sử dụng LAA kèm với kem chống nắng sẽ tăng khả năng bảo vệ da vượt trội, nhằm biết chi tiết hơn thì có thể tham khảo tại đây.
Làn da căng bóng luôn là thứ mà mọi người luôn luôn ao ước, tuy nhiên chúng ta không thể nào đạt được làn da lý tưởng đó, vì da luôn có những đặc điểm tự nhiên bao gồm lỗ chân lông, sợi bã nhờn li ti. Nhưng để sở hữu được làn da khỏe mạnh thì là điều “có thể”, đó là một làn da không mụn, đều màu, bề mặt nhẵn mịn và phải ngậm đủ nước. Với 5 bước chăm sóc da đã đề cập ở Phần II sẽ là một chìa khóa để giúp chúng ta sở hữu được một làn da khỏe mạnh hơn bao giờ hết.
Nguồn: https://obagimedical.com.vn/blogs/news/5-buoc-so-huu-lan-da-cang-bong-trong-mua-dong-kho-lanh
Ý kiến bạn đọc